Khám Phá

Những Cây Cầu Kỷ Lục của Việt Nam


Go Vietnam xin giới thiệu tới độc giả những cây cầu đang giữ những kỷ lục của Việt Nam trên nhiều phương diện. Mỗi cây cầu đều có những vẻ đẹp và ý nghĩa riêng của nó. Cây cầu còn là niềm tự hào của người dân địa phương nơi nó tồn tại. 

Mời các bạn cùng theo dõi!

1. Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam


Cầu Thị Nại là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội, nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định), dài gần 7 km, với tổng số vốn đầu tư là 582 tỷ đồng.

Công trình xây dựng cầu Thị Nại được khởi công vào ngày 3 tháng 11 năm 2002 và hoàn thành vào ngày 12 tháng 12 năm 2006.

Phần chính của cầu dài 2.477,3 mét, rộng 14,5 mét. Cầu gồm 54 nhịp có khẩu độ mỗi nhịp là 120 mét. Tính cả phần hệ thống đường dẫn, cầu dài 6960 m với 5 cầu ngắn. Cầu chịu xe trọng tải 30 tấn và xe bánh xích trọng tải 80 tấn.

Dù vẫn còn là một tỉnh nghèo, nhưng Bình Định quyết tâm xây dựng bằng được cây cầu Thị Nại có chiều dài kỷ lục và kết cấu hiện đại nhằm tạo bước đột phá, biến Quy Nhơn trở thành trung tâm kinh tế, vươn mình ra biển và Nhơn Hội trở thành một địa chỉ đầu tư lớn nhất miền Trung.

Cầu Thị Nại không chỉ là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân Bình Định, mà còn là điểm nhấn hấp dẫn biết bao du khách khi đến TP. Quy Nhơn.

2. Cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam và Đông Nam Á


Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành vào tháng 4/2010, đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. cầu Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến là 15,85 km, chiều rộng 23,1 m với bốn làn xe với tốc độ thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư của công trình là 4.832 tỷ đồng.



Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 9 năm 2004. Ban đầu, cầu Cần Thơ được dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 14 tháng 12 năm 2008. Tuy nhiên, vì xảy ra sự cố sập nhịp dẫn Cầu Cần Thơ vào ngày 26 tháng 9 năm 2007, nên đến ngày 24 tháng 4 năm 2010, cầu Cần Thơ mới được khánh thành.

Là một công trình giao thông trọng điểm nhận được đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau từ cả trong nước và nước ngoài, cầu Cần Thơ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ nối liền đất nước của mình mà còn trở thành điểm check-in yêu thích cho nhiều người mỗi lần có dịp đi qua.

Cây cầu này đóng vai trò quan trọng trong việc nối liền kinh tế hai bờ sông Hậu

Cầu Cần Thơ không chỉ đẩy mạnh hoạt động trao đổi buôn bán cũng như vận chuyển hàng hóa giữa thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long mà còn góp phần vào phát triển kinh tế vùng miền, cải thiện đời sống, hỗ trợ nhu cầu di chuyển, đi lại của người dân. Cây cầu này cũng góp phần xây dựng hình ảnh thành phố Cần Thơ năng động, hiện đại, ngày càng đổi mới. Đặc biệt hơn, hệ thống đèn chiếu sáng rực rỡ về đêm cùng thiết kế uyển chuyển cũng giúp cho cầu Cần Thơ ghi danh mình vào danh sách những cây cầu đẹp nhất Việt Nam.

3. Cầu treo dây võng hiện đại và dài nhất Việt Nam


Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng hiện đại và dài nhất Việt Nam, được thiết kế với 2 trụ tháp cao 92 m, cách nhau 405 m, tĩnh không thông thuyền 27 m, kết cấu dầm hộp thép hợp kim suốt toàn bộ nhịp treo dài 650 m, được chế tạo bằng công nghệ dầm tăng cứng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Là công trình trọng điểm của thành phố Đà Nẵng, cầu Thuận Phước đang được xem là “chìa khóa vàng” mở cửa cho du lịch Sơn Trà.

Cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng vào ngày 16 tháng 1 năm 2003 với vốn đầu tư gần 1000 tỷ đồng do thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách. Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng 533 liên danh với Viện Thiết kế cầu đường số 2 Trung Quốc thiết kế. Công ty Cơ khí xây dựng công trình 623 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 6 là nhà thầu chính thi công phần cầu chính dây võng

Các thông số của cầu Thuận Phước

    Chiều rộng cầu: 18 m
    Số làn xe: 4(ô tô và xe máy), 2 lối đi bộ và 2 lối đi xe đạp (xe thô sơ)
    Trọng tải: 13 tấn
    Độ tĩnh không thông thuyền: 27 m
    3 nhịp dây võng dài: 655m
    Có khẩu độ nhịp dây võng lớn nhất Việt Nam: 405m
    Số lượng trụ tháp: 2
    Độ cao tháp trụ: 80m tính từ bệ cọc
    Khoảng cách giữa 2 trụ tháp: 405 m

Cầu Thuận Phước Đà Nẵng không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn mà còn kết nối giao thương, tạo đà cho phát triển kinh tế thành phố. Đồng với những kiến trúc mới lạ, ý tưởng thiết kế độc đáo nên đây là địa điểm thu hút khách du lịch . Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống dòng sông Hàn, cầu Thuận Phước trở nên rực rỡ hơn dưới những ánh đèn màu, càng làm tôn thêm vẻ quyến rũ của một thành phố trẻ năng động.

Không chỉ giữ vai trò đối với Du Lịch Đà Nẵng, Thuận Phước bắc qua vịnh Đà Nẵng nối với bán đảo Sơn Trà,  là cây cầu nối liền đường Nguyễn Tất Thành và Trường Sa – Hoàng Sa giúp kết nối vùng du lịch trọng điểm từ hầm Hải Vân vào đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) và khu du lịch bán đảo Sơn Trà.

4. Cầu quay dây văng đầu tiên và duy nhất Việt Nam


Cầu sông Hàn là một trong những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.

Hàng đêm, khoảng 1 - 2h sáng, phần giữa của cây cầu sẽ quay quanh trục một góc vuông 90 độ, nằm song song với dòng chảy để tàu bè lớn có thể chạy từ sông ra biển và ngược lại.

Thời gian để cầu quay mất khoảng 15 đến 20 phút. Sau khi mở cửa khoảng 4 giờ, cầu Sông Hàn sẽ được xoay về vị trí cũ.

Cầu sông Hàn là một trong những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng. Cầu được khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1998, khánh thành ngày 29 tháng 3 năm 2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.

Cầu là vạch nối liền hai trục đường chính của thành phố là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông. Cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 02 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 mét, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.

5. Cầu dài nhất bắc qua sông Hồng


Cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng trên quốc lộ 2C, nối thị xã Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) được khởi công vào ngày 18/12/2011. Đây là cây cầu chính trên tuyến đường vành đai 5, là cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng tính đến thời điểm hiện nay, kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Cầu có tổng chiều dài gần 5,5km, trong đó, phần cầu dài gần 4,5km, đường hai đầu cầu dài hơn 1 km, chiều rộng mặt cầu 16,5m bao gồm 4 làn xe. Các làn xe đều rộng 3.5m và bảo đảm tốc độ 80 km/h.

Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Với tổng mức đầu tư 137 triệu USD. Dự kiến cầu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 36 tháng thi công.

Cầu có điểm đầu giao với quốc lộ 32 tại tuyến tránh thị xã Sơn Tây, điểm cuối nối với quốc lộ 2C thuộc địa bàn xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), là điểm giao giữa các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc.

Khu dân cư đông đúc hai bên bờ sông Hồng của Sơn Tây (Hà Nội) và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) sẽ đi lại nhanh chóng và thuận tiện hơn khi có cầu. Đây cũng là niềm mơ ước của họ từ bao năm qua.

Trước kia nếu di chuyển bằng phà có thể mất từ 30-45 phút, nay có cầu thời gian di chuyển của một ô tô hoặc xe máy chỉ còn từ 5-10 phút.

6. Cầu có thiết kế độc đáo và mới lạ nhất


Cầu Rồng bắc qua sông Hàn có mức đầu tư 1.498 tỷ đồng, dài 666m và rộng 37.5m với 6 làn xe chạy., khởi công năm 2009 và nó được chính thức thông xe ngày 29 tháng 3 năm 2013; Với thiết kế thể hiện hình ảnh một con rồng đang bay trên sông Hàn, đầu ngẩng cao, thân uốn lượn... cầu Rồng được Hiệp hội cầu đường thế giới ghi nhận là độc đáo và mới lạ nhất Việt Nam.

Cây cầu hiện đại này bắc qua sông Hàn tại bùng binh Lê Đình Dương/Bạch Đằng, tạo con đường ngắn nhất từ sân bay quốc tế Đà Nẵng tới các đường chính trong thành phố Đà Nẵng, và một tuyến đường trực tiếp đến bãi biển Mỹ Khê và bãi biển Non Nước ở rìa phía đông của thành phố. Cầu được thiết kế và xây dựng với hình dạng của một con rồng có khả năng phun lửa và phun nước như thật. Hiện tại, thời gian phun lửa và phun nước bắt đầu vào lúc 21 giờ các ngày thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn.

Được coi là một điểm nhấn kiến trúc của thành phố, Cầu Rồng được thiết kế thể hiện hình ảnh một con rồng đang “bay” trên sông Hàn, với cái đầu ngẩng cao kiêu hãnh, thân hình uốn lượn mềm mại. Hai bên được bố trí các đài phun nước cùng hiệu ứng từ hệ thống đèn chiếu sáng, sẽ làm cho cây cầu có một vẻ đẹp lộng lẫy và hình ảnh con rồng ẩn hiện, sinh động vô cùng. Với cây cầu này, thành phố muốn gửi gắm những ước mơ vươn đến tương lai của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững.

7. Cầu sắt nhiều tuổi nhất


Cầu Long Biên là cây cầu sắt thép nhiều tuổi nhất bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng, từ năm 1899 - 1902, đặt tên là cầu Doumer. Vào đầu thế kỷ XX, Long Biên là một trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới, một công trình sắt thép đồ sộ nhất bán đảo Đông Dương. Dân gian còn gọi là cầu sông Cái, còn tên Long Biên được đặt sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Kể từ khi có cầu Chương Dương và Thăng Long, cầu Long Biên chỉ dành cho người đi xe đạp và cho những đoàn tàu. Một số chuyên gia văn hóa và lịch sử đang có ý tưởng biến cây cầu trăm tuổi này thành một bảo tàng lịch sử sống giữa lòng Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm này đó vẫn là một siêu ý tưởng trong mơ.

Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6m và luồng đi bộ là 0,4m. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác.



Người ta đã dùng đến 30.000m3 đá và kim loại (5600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì). Tổng số tiền thực chi lên tới 6.200.000 franc Pháp, không vượt quá dự trù là bao.

8. Cầu rộng nhất


Cầu Vĩnh Tuy không chỉ là cây cầu rộng nhất Việt Nam, mà còn giành các kỷ lục khác như: cây cầu hiện đại vào bậc nhất Việt Nam, cây cầu có kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất là tám nhịp liên tục, đúc hẫng dài và chiều dài cầu chính, cầu dẫn bằng bê tông và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất…

Khởi công năm 2005 và khánh thành vào năm 2009, cầu Vĩnh Tuy được coi là công trình lớn nhất xây dựng hoàn toàn bằng nội lực của ngành xây dựng cầu Việt Nam khi ấy.

Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng là một trong những cây cầu hiện đại tạo dấu ấn cho phát triển giao thông đô thị của Thủ đô Hà Nội. Cầu có chiều dài tuyến chính gồm cầu vượt sông và đường 2 đầu cầu khoảng 5,8km. Trong đó, chiều dài cầu vượt sông Hồng lên tới 3,7km, chiều dài cầu vượt QL5 khoảng 364m, chiều rộng là 38m.

Ngoài ra, cầu Vĩnh Tuy còn có tuyến nhánh kết nối với hệ thống giao thông trong khu vực. Đây là mạng lưới giao thông quan trọng của TP, phân chia lưu lượng xe, giảm ách tắc giao thông nội đô qua cầu Chương Dương cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hai khu vực Bắc - Nam sông Hồng.

Ngoài ra, nó còn góp phần giải quyết ách tắc giao thông ở cửa ngõ phía Đông Bắc Thủ đô, làm giảm áp lực giao thông cho cầu Chương Dương và đáp ứng nhu cầu vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc và Nam vào Thủ đô Hà Nội.

9. Cầu có trụ cao nhất


Cầu Pá Uôn là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam bắc qua sông Đà (tại địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai), có tổng vốn đầu tư gần 740 tỷ đồng, đã chính thức được hợp long vào ngày 18/4/2010.

Đây là dự án được xếp vào cấp đặc biệt quan trọng do kết cấu trụ cầu lớn, biện pháp thi công mới và tiến độ thi công rất hết sức gấp rút để phục vụ cho vùng Tây Bắc rộng lớn khi có thủy điện Sơn La, đồng thời tạo ra tuyến kết nối ngắn nhất giữa hai tỉnh Lai Châu và Sơn La.

Do cầu nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, phía thượng lưu là thủy điện Lai Châu nên trụ chính được thiết kế lên đến 98 m, khoan sâu 26 m.

Vị trí cầu được xây dựng cách Bến phà Pá Uôn (cũ) khoảng 1km về phía thượng nguồn. là cây cầu thứ 2 bắc qua sông đà trên địa bàn Sơn La (cùng với cầu Tạ Khoa).

Đây là một cây cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu dài khoảng 1273 mét. Phần chính cầu dài 918 mét, rộng 9 mét trong đó phần xe chạy rộng 8 mét. Cầu gồm 2 mố và 11 trụ. Trụ chính cầu cao 98 mét, nhưng tính từ đáy sông (móng cầu) lên đến mặt cầu thì cầu cao tới 103,8m và được coi là cầu cao nhất Việt Nam. Nhịp dầm chính dài 130 mét, được đúc hẫng.

Cầu được thiết kế và xây dựng để chịu được động đất cấp 9.

10. Cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên và dài nhất


Nằm trên quốc lộ 18, nối Hòn Gai với Bãi Cháy qua eo biển Cửa Lục thuộc tỉnh Quảng Ninh, cầu Bãi Cháy khánh thành vào năm 2006, là cây cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên và có nhịp cầu chính dài nhất thế giới.

Cầu Bãi Cháy có vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, có chiều dài 903m, chiều cao thông thuyền là 50m, chiều rộng 25,3m (gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ) cùng 5 nhịp, nhịp chính dài 435 m.

Đây là loại cầu dây văng một mặt phẳng dây, dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực có khẩu độ nhịp đạt kỷ lục thế giới về loại cầu này. Hai tháp cầu được đặt trên hệ móng giếng chìm hơi ép kích thước cực lớn, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam với công nghệ thi công hiện đại, tiên tiến. Cầu được thi công bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng, tại trụ cầu chính trên độ cao 50m, dầm cầu được vươn ra biển và kết thúc khi nối liền hai cánh hẫng, công nghệ xây dựng này đảm bảo cho các tàu thuyền vẫn có thể hoạt động được bình thường trong suốt quá trình thi công.

Tổng cộng 112 sợi dây cáp to cỡ bắp chân dài 50 m - 230 m, luôn căng như dây đàn. Toàn bộ cây cầu được “treo” trên hai ngọn tháp đầu cầu này. Mỗi tháp bê tông cao 137,5 m, tương đương tòa cao ốc 46 tầng. Chân tháp là các thùng bê tông kích thước 18 m - 22 m, chìm sâu 26 m (tương đương tòa nhà 9 tầng) trong nước biển.

Trong bài viết về cầu Bãi Cháy đăng trên website www.bridgeweb.com của Hiệp hội Cầu thế giới, phóng viên Helena Russel đã không ngần ngại khi rút thành tiêu đề “Sự mảnh mai kỳ diệu”.



“Sự mảnh mai kỳ diệu” đã đưa cầu Bãi Cháy vào kỷ lục Guinness khi vượt mặt 4 cây cầu khác. Ông Haruo Yanagawa tự hào: “Cầu Bãi Cháy - một trong năm cầu dây văng dự ứng lực một mặt phẳng dây lớn nhất thế giới.

Video thuyết minh:


► Help us reach 50.000 subs ! https://goo.gl/PQm2PU ► ĐĂNG KÝ kênh giúp chúng tôi đạt 50K Subs. Thanks! ► Website : http://www.govietnams.blogspot.com ▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ | Danh sách phát – Playlist | » Lịch Sử Việt Nam: https://goo.gl/N4gEqe » Nhân Vật: https://goo.gl/TA49Cr » Sự Kiện: https://goo.gl/Ts8wER » Văn Hóa: https://goo.gl/9ifrN6 » Địa Danh: https://goo.gl/ZK3Xho » Nhìn ra Thế giới: https://goo.gl/rtKiCx » Khám Phá: https://goo.gl/kA4tDR » Góc Cuộc Sống: https://goo.gl/F32dXZ » Tiếng Anh Cho Người Việt: https://goo.gl/59LSwj ▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ Mọi thắc mắc xin liên hệ Email: hm96channel@gmail.com Fanpage Lịch sử Văn hóa Việt Nam: https://www.facebook.com/LichSu.VanHoa/ ▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ Thanks for watching!


No comments