" Cối xay thịt" - Thành cổ Quảng Trị 1972
Trận Thành cổ Quảng Trị là một trận chiến giữa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được sự hỗ trợ về hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam với Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại khu vực thành cổ Quảng Trị vào năm 1972. Đây là một trong những trận chiến ác liệt nhất của Chiến dịch Xuân Hè 1972 trong Chiến tranh Việt Nam.
Trận chiến kéo dài trong suốt 81 ngày đêm, sau khi liên tiếp đưa vào các đơn vị bộ binh cũng như sử dụng hỏa lực bom đạn cực kỳ lớn, với sự chênh lệch về lực lượng cả về số quân và trang thiết bị, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã thành công trong việc tái chiếm lại Thành cổ nhưng vẫn không thể giành lại nửa Bắc của tỉnh Quảng Trị. Về mặt chiến lược, sự kháng cự mạnh mẽ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với sự hỗ trợ về hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khiến kế hoạch tái chiếm thành cổ của đối phương bị kéo dài tới 3 tháng so với kế hoạch ban đầu là 2 tuần. Hãy cùng Go VN tìm hiểu về trận đánh này và nguyên nhân tại sao cả 2 bên lại tranh giành nhau quyết liệt vị trí này đến như vậy biến đây thành: Cối xay thịt người và cả những câu chuyện bên lề về cuộc chiến của cả hai phía.
Thành cổ Quảng Trị – Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị là công trình thành luỹ quân sự và là lỵ sở của triều đình nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Đây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thời thuộc Pháp và chính quyền miền Nam.
Với Quân giải phóng miền Nam Việt Nam
Tỉnh Quảng Trị có vị trí hết sức đặc biệt, Quảng Trị là mảnh đất địa đầu, nơi ngăn chia hai miền Nam - Bắc, chia cắt Việt Nam từ sau Hiệp định Genève.
Cuộc tiến công giải phóng Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng bởi cuộc chiến đấu Trị diễn ra trong một thời điểm nhạy cảm, đó là hội nghị đàm phán Paris đang diễn ra. Lúc này, mọi thành bại trên chiến trường đều trực tiếp tác động tới vị thế của từng bên trong Hội nghị Paris. Vì vậy, phía Quân giải phóng miền Nam Việt Nam quyết tâm cao nhất để giữ cho được vị trí đặc biệt quan trọng này. Vì thế mà Thành cổ Quảng Trị là nơi đọ sức quyết liệt nhất, là đỉnh cao về tính quyết liệt nhất trong chiến dịch này, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.
Hơn thế nữa Thành cổ Quảng Trị là một chốt chặn quan trọng nhất phục vụ cho ý định phản công chiến lược của quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Việc giữ được thị xã và Thành cổ Quảng Trị sẽ tạo điều kiện để quân giải phóng miền Nam Việt Nam chuyển vào phòng ngự được thuận lợi, thực hiện mục tiêu chiến lược đã xác định.
Với Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa
Thành cổ Quảng Trị nằm gần Quốc lộ 1, đây là tiền đồn phòng thủ của Vùng I chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa. Giành được Thành cổ sẽ có giá trị lớn về tính biểu tượng nên phải hết sức tái chiếm chính là nhằm giành được lợi thế ở Hội nghị Paris. Cả hai đều hy vọng, nếu giành được thắng lợi trong cuộc tái chiếm này sẽ có ý nghĩa tuyên truyền rất lớn, kích động binh lính, củng cố lòng tin với dư luận quốc tế về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Mặt khác, Mỹ - VNCH mở cuộc tái chiếm này cũng là nhằm để cứu vớt, lấy lại danh dự sau khi hứng chịu hàng loạt những thất bại trong Chiến dịch Xuân Hè với quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, năm 1972, cũng là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, vì lẽ đó, Ních- Xơn muốn giành được chiến thắng để có được lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vài tháng sau đó, chưa kể đến việc lúc này, trong Quốc hội Hoa Kỳ, tiếng nói đòi rút quân Mỹ khỏi Việt Nam ngày càng gia tăng. Ngày 25 tháng 5 năm 1972, Tổng thống Thiệu đưa ra cam kết bằng mọi giá tái chiếm Quảng Trị cũng như trách móc phía Hoa Kỳ đang bỏ rơi đồng minh. Đó là những lý do mà Mỹ - VNCH đã tập trung mọi nỗ lực cố gắng và mọi khả năng để tái chiếm Quảng Trị.
Diễn biến cuộc chiến
Mùa hè năm ấy, ngày nào cũng nắng, nhiệt độ trung bình ngoài trời cứ khoảng 37 đến 39 độ. Khát nước đến cháy cổ mà nước uống có khi là nước suối, nhưng có chỗ chỉ là cái vũng nước nhỏ đục váng như bã cua giã hòa nước để nấu canh mồng tơi rau đay
Tại Thành Cổ khoảng 328.000 tấn bom đạn của Mỹ đã dội xuống mảnh đất này, ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống được. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành Cổ và thị xã Quảng Trị rộng chưa đầy 3km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy. Mỹ - VNCH đã sử dụng số lượng bom đạn có sức hủy diệt tương đương với 7 quả bom nguyên tử năm 1945 và cũng huy động những lực lượng, vũ khí mạnh nhất trong cuộc tái chiếm này.
Nguyễn Văn Thiệu đã huy động lực lượng tham gia chiến dịch mạnh nhất: Lực lượng phản công gồm: 1 sư đoàn dù, 1 sư đoàn lính thuỷ đánh bộ, sư đoàn 1 bộ binh, trung đoàn 4 thuộc sư đoàn 2 bộ binh. “Tổng lực lượng gồm 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị công binh, không quân, hải quân của quân khu 1 hỗ trợ”. Đặc biệt, Mỹ tăng gấp 2 lần số máy bay ném bom chiến lược B52, triển khai lại các lực lượng không quân và hải quân chi viện hỏa lực trực tiếp với mật độ cao và cường độ rất lớn cho cuộc phản công
Tổng thống Mỹ Ních-xơn một mặt ra lệnh cho Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu phải chiếm lại tỉnh Quảng Trị, một mặt “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đang có nguy cơ sụp đổ. Để ngăn chặn quân giải phóng miền Nam phát triển tiến công vào phía nam, chính quyền Sài Gòn lập tức tăng quân và hỏa lực, nhanh chóng củng cố tuyến phòng ngự phía nam sông Mỹ Chánh. Đồng thời, lập tuyến phòng ngự phía tây đường 12 để ngăn chặn quân ta tiến công vào Huế nhằm bảo toàn lực lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc phản công lại ở Quảng Trị
Đây là cuộc hành binh đẫm máu, cực kỳ tàn bạo với đủ loại vũ khí hiện đại, từ bom phá, bom napan, bom lân tinh, bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển bằng lade đến các loại pháo chơm, pháo khoan, chất độc hoá học và hơi ngạt… Nhằm mục đích hỗ trợ cho tinh thần quân ngụy, ngoài máy bay chiến thuật, chiến lược oanh tạc theo yêu cầu của bộ binh ở tiền duyên, Mỹ còn cho pháo hạm, pháo mặt đất tầm xa bắn tới hai vạn viên đạn suốt một ngày
Suốt 81 ngày đêm, ngày nào Mỹ và VNCH cũng tiến hành rất nhiều trận đánh bằng bom pháo, bằng bộ binh có xe tăng, xe thiết giáp, xe phun lửa yểm trợ cho lính dù, lính thuỷ đánh bộ, lính biệt động tiến công, chỉ xoay quanh một tòa thành không đầy 300.000m2, trong một thị xã với diện tích gần 4km2, nhà cửa đổ nát, không một bóng người…
Năm 1972, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức tổng tấn công trên 3 chiến trường chính: Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ (Bình Long), trong đó hướng chủ yếu là tỉnh Quảng Trị. Lúc này Hội nghị Paris đang ở thế có lợi cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đẩy lùi được Chiến dịch Lam Sơn 719 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa cùng các chiến thắng khác của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Đắk Tô, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Sau khi mở Chiến dịch Trị Thiên từ tháng 3 năm 1972, sau 2 đợt tấn công, đến tháng 5 thì Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã giành quyền kiểm soát được toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là thời điểm mà Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đang bổ sung lực lượng chuẩn bị cho đợt tấn công thứ 3 vào Thừa Thiên.
Ngày 27-6-1972, Quân ủy Trung ương thông báo cho Bộ Tư lệnh chiến dịch của quân giải phóng Miền Nam Việt Nam các hoạt động khẩn trương chuẩn bị tiến công ra Quảng Trị của Mỹ - VNCH và chỉ thị biện pháp đánh phối hợp với đấu tranh ngoại giao. Tối 28-6-1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm: “Chuyển từ chiến dịch tiến công sang chiến dịch phản công nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại cuộc hành quân của địch và phát triển lúc thời cơ có lợi”. Bộ Tư lệnh chiến dịch đã bố trí lực lượng gồm các Sư đoàn 308 (trung đoàn 36, 102, 66, Tiểu đoàn 2 độc lập); 304 (trung đoàn 24, 9, 88, Tiểu đoàn đặc công 35); 320B (trung đoàn 27, 64, 18, các tiểu đoàn 14, 47 địa phương) có nhiệm vụ ngăn chặn các hướng tiến công của Mỹ và VNCH ; Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương và 3 tiểu đoàn phòng không có nhiệm vụ bảo vệ khu vực thị xã Quảng Trị, La Vang, Ái Tử. Cùng với việc tổ chức lực lượng ở các hướng chiến lược, việc tổ chức sơ tán cho nhân dân ra khỏi vùng có chiến sự ác liệt được thực hiện khẩn trương. Trong một thời gian ngắn, đã đưa được “8 vạn dân thị xã và hai huyện Thiệu Phong, Hải Lăng… đến các nơi an toàn”. Trước khi bước vào trận chiến mới, mọi công tác chuẩn bị về lực lượng và thế trận chiến đấu của quân giải phóng miền Nam Việt Nam cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, thực tế lúc đó do quân giải phóng miền Nam VN chưa nắm chắc và chưa lường kế hoạch và quyết tâm của Mỹ và VNCH là tái chiếm lại Quảng Trị, nên vẫn chưa có kế hoạch phòng ngự, giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị cũng như trừ mấy tiểu đoàn của Tỉnh đội Quảng Trị, đại bộ phận quân giải phóng miền Nam Việt Nam đều chưa thông thạo địa hình, phải vừa đánh vừa quan sát hiệp đồng. Do đó, lực lượng ban đầu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị do Trung đoàn 48 đảm nhiệm là chính.
Và dù đã rất cố gắng nhưng do hỏa lực của Mỹ và VNCH quá mạnh đã trút vào mảnh đất nhỏ hẹp này 13.000 đạn pháo, hàng ngàn tấn bom… Tính bình quân, mỗi người dân phải chịu 250 quả đạn pháo”, phòng tuyến vòng ngoài của quân giải phóng miến Nam Việt Nam bị vỡ dần. Từ đầu tháng 9-1972, cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt trong lòng thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Quân giải phóng và phía Mỹ - VNCH giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường Thành cổ. Thời tiết lúc này không thuận lợi, áp thấp nhiệt đới liên tục xảy ra, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cả thị xã chìm trong biển nước. Lợi dụng tình hình đó địch tăng cường bắn phá vào công sự của quân giải phóng. Phía quân giải phóng vừa thay nhau tát nước chống ngập công sự, vừa chống trả địch, suốt ngày ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã nên sức khoẻ giảm sút, thương vong rất lớn. Trước tình thế đó, quân giải phóng miền Nam được lệnh rút lui sang sông Thạch Hãn vào 18 giờ, ngày 16-9-1972.
Rạng ngày 16 tháng 9 năm 1972, lực lượng Thủy quân Lục chiến đã tiến vào thị xã Quảng Trị và kiểm soát toàn bộ khu vực Cổ Thành. Cọp Biển của tiểu đoàn 6 Thủy quân Lục chiến đã dựng cờ của Việt Nam Cộng hòa trên cổng tường phía Tây Cổ Thành Quảng Trị, biểu tượng cho việc Quân lực VNCH đã hoàn tất cuộc tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.
Sau 4 tháng 16 ngày (81 ngày đêm) cố thủ tại Cổ Thành và thị xã Quảng Trị, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam rút lui khỏi Thành cổ. Riêng trung đoàn Triệu Hải (trung đoàn 27 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - trung đoàn trưởng sau này là thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu) với 1.500 quân đưa vào thành cố thủ là đơn vị tổn thất nặng nhất. Các chốt chiến đấu vòng ngoài đều bị phá hủy, trung đoàn 48B thuộc sư đoàn 390 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - đơn vị chiếm giữ trung tâm thị xã, cũng đã bị thiệt hại hơn 80% quân số. Trong một hồi ký phổ biến vào năm 1997, trung tướng Lê Tự Đồng, nguyên tư lệnh lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại mặt trận tỉnh Quảng Trị, ghi nhận là các sư đoàn và trung đoàn tham chiến đã bị tổn thất quá nửa quân số.
Vào thời điểm quân giải phóng miền nam rút khỏi Thành cổ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã điện khen: “Cán bộ, chiến sĩ ta rất dũng cảm, nhiệm vụ đã hoàn thành. Lịch sử chống ngoại xâm, giữ Thành lâu như thế, ông cha ta ít làm”
Về phía Quân lực Việt Nam Cộng hoà, tuy chiếm được thành cổ nhưng cũng phải trả giá đắt. Kế hoạch chiếm thị xã trước ngày 13/7 để mặc cả tại Hội nghị Paris không thực hiện được mà còn phải mất gấp 5 lần thời gian định trước. Theo số liệu quân giải phóng miền Nam VN thống kê “diệt hơn 24.000 quân Mỹ và VNCH, phần lớn là quân dù và thuỷ quân lục chiến, bắn rơi 180 máy bay, phá huỷ 140 xe quân sự trong đó có 90 xe tăng, xe bọc thép, 20 khẩu pháo cùng nhiều đồ dùng quân sự khác. Riêng lực lượng vũ trang tỉnh từ 28-6-1972 đến 16-9-1972 đã đánh 642 trận…”
Tuy nhiên, Tướng Lê Phi Long của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 2008 có nói: "Chiến dịch Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn, có thể nói là lớn nhất so với tất cả các chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến. Mỗi lần nghĩ lại tôi rất đau lòng. Mãi đến bây giờ (2008), tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn chưa hiểu vì sao ta phải cố thủ thành cổ với một giá đắt như vậy? Có cán bộ cấp trên giải thích rằng do yêu cầu của đấu tranh ngoại giao, cần giữ vững thành cổ để phối hợp với cuộc đàm phán tại hội nghị Paris..." Và câu chuyện về chiến dịch này vẫn còn là đề tài tranh luận cho tới tận ngày nay.
No comments