Người Hà Nội
Khi nói đến khái niệm "Người Hà Nội" thì đa số những người đang sống ở Hà Nội bây giờ chỉ hiểu mù mờ và không rõ ràng về khái niệm này. Có thể nói khái niệm "Người Hà Nội" được định hình đậm nét nhất vào thời Pháp thuộc, bởi vì thời kỳ này thị dân Hà Nội có cuộc sống, môi trường xã hội khác hẳn với thị dân thời mà Hà Nội có tên khác là Thăng Long, Đông Đô hay Đại La.
Cũng do lịch sử Hà Nội thời Pháp thuộc không được dạy trọn vẹn, khách quan trong sách lịch sử chính thống mà chủ yếu qua truyền khẩu, hồi ký, tạp văn và truyện, vì vậy dân sống ở Hà Nội bây giờ không biết nhiều và cụ thể về giai đoạn này cũng là điều bình thường.
Chắc ai đó đã nghe đến câu ca dao:
"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"
Hoa nhài thì rõ là thơm rồi nhưng chưa chắc đã thơm nhất, còn người Tràng An thì sao? Người Tràng An (tên một kinh đô cổ ở Trung Quốc) được ví với kinh đô Thăng Long nhưng người Thăng Long thanh lịch thế nào, hơn gì người Nam Định, Bắc Ninh, Hà Đông (cũng là những nơi có nhiều sỹ phu Bắc Hà) ... thì giờ này cũng chẳng ai biết, tất cả chỉ là suy diễn. Nhưng người Hà Nội thì văn minh, thanh lịch nhất miền Bắc là chắc chắn. Về độ văn minh, vào thời điểm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thì Hà Nội chỉ có thể so sánh với Sài Gòn nhưng về chiều sâu lịch sử, văn hóa thì đương nhiên Hà Nội hơn Sài Gòn khá nhiều. Như vậy, tính gộp cả nền tảng văn hóa, văn minh và thanh lịch thì Hà Nội lúc đó là nhất cả nước thế nên đừng nói đến chuyện thanh lịch nếu thiếu văn minh.
Về nguồn gốc tên gọi "Hà Nội"
Để lý giải rõ hơn về "Người Hà Nội" ta phải nhắc đến sự hình thành của tên gọi Hà Nội. Vào năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng, toàn quốc được chia thành 29 tỉnh, Thăng Long thuộc tỉnh Hà Nội, với hàm nghĩa nằm trong sông. Tỉnh Hà Nội khi đó gồm 4 phủ (gồm thành Thăng Long, phủ Hoài Đức của trấn Sơn Tây và ba phủ Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân của trấn Sơn Nam), 15 huyện, nằm giữa sông Hồng và sông Đáy và Hà Nội có tên gọi từ đây.
Vào năm 1858, Pháp bắt đầu nổ súng xâm chiếm Đông Dương. Sau khi chiếm ba tỉnh Đông Nam Kỳ, quân đội Pháp tiến đến Hà Nội đầu tháng 11 năm 1873. Năm 1874, quân Pháp rút khởi Hà Nội nhưng một năm sau thì nhà Nguyễn ký với người Pháp một thỏa thuận là nhượng cho Pháp một khu đất để người Pháp xây dựng Tòa công sứ, Thuế quan và đóng khoảng 100 quân. Theo thỏa thuận thì khu đất chỉ cỡ 2,5ha nhưng thực tế thì khu nhượng địa đầu tiên này rộng đến 18ha, chính là khu Đồn Thủy (nhà thương Đồn Thủy sau này là bệnh viện Quân đội 108). Khu Đồn Thủy này là một hình chữ nhật chạy dọc đê sông Hồng, từ phía phố Phạm Ngũ Lão, bảo tàng lịch sử đến hết khu phố Lò Đúc bây giờ,
Năm 1884, nhà Nguyễn ký hòa ước công nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, Hà Nội cũng bước vào thời kỳ thuộc địa. Ngày 19 tháng 7 năm 1888, Tổng thống Pháp là Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Thành phố Hà Nội lúc này có diện tích nhỏ bao gồm 2 huyện là Thọ Xương và huyện Vĩnh Thành thuộc phủ Hoài Đức. Đến năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của toàn Liên Bang Đông Dương.
Nhờ sự quy hoạch của người Pháp, thành phố Hà Nội dần có được bộ mặt mới. Lũy thành thời Nguyễn đã bị triệt hạ (đến năm 1897 hầu như bị phá hủy hoàn toàn), chỉ còn lại Cột Cờ, Cửa Bắc với vết đạn năm 1873, Đoan Môn và lan can rồng đá ở trong hoàng thành cũ.
Năm 1901, các công trình phủ Thống sứ, Nhà bưu điện, Kho bạc, Nhà đốc lý, Nhà hát lớn, cầu Long Biên, ga Hà Nội, những quảng trường, bệnh viện ... được xây dựng. Hà Nội cũng có thêm trường đua ngựa, các nhà thờ Cơ đốc giáo, trường Đại học Y khoa, Đại học Đông Dương, Đại học Mỹ thuật, các trường Cao đẳng Pháp lý, Nông lâm cùng những nhà máy sản xuất rượu bia, diêm, hàng dệt, điện, nước ...
Khi những nhà tư bản người Pháp tới Hà Nội ngày một nhiều hơn, các rạp chiếu phim, nhà hát, khách sạn ... dần xuất hiện, những con phố cũng thay đổi để phù hợp với tầng lớp dân cư mới. Vào năm 1921, toàn thành phố có khoảng 4.000 dân châu Âu và 100.000 dân bản địa.
Sự xuất hiện của tầng lớp tư sản Việt Nam khiến văn hóa Hà Nội cũng thay đổi. Nền văn hóa phương Tây theo chân người Pháp du nhập vào Việt nam kéo theo những xáo trộn trong xã hội, không còn là một kinh thành thời phong kiến, Hà Nội ít nhiều mang dáng dấp của một đô thị châu Âu.
Thành phố vẫn tiếp tục giữ vai trò trung tâm tri thức, nghệ thuật của cả quốc gia, nơi tập trung các nhà thờ mời, những nhạc sĩ tân nhạc cùng những trí thức, học giả nổi tiếng.
Về chính quyền Hà Nội thời Pháp thuộc, thì nơi đây có Thị trưởng (Đốc lý) do Thống sứ, sau này là Toàn quyền chỉ định nhiệm kỳ 3 năm và Hội đồng thành phố. Ông Đốc lý phải đứng 2 vai, vừa là Thị trưởng một thành phố như ở bên Pháp vừa như một công sứ Pháp ở các tỉnh bảo hộ khác của Bắc kỳ. Hội đồng thành phố bao gồm 12 người Pháp, 2 người Việt Nam, 2 người Hoa (sau này bỏ 1 người Hoa thay bằng 2 người Việt). Thành viên Hội đồng người Pháp do người Pháp bầu, thành viên người Việt do người Việt bầu, người Việt có nộp tô mới được đi bầu và thuộc giai cấp thượng lưu.
Lúc đầu thì người Pháp vẫn dùng các quan huyện cũ của triều Nguyễn để quản lý các huyện thuộc nội thành Hà Nội nhưng đến năm 1896 thì bị thay bằng chức hiệp lý rồi bị bãi bỏ ngay, đốc lý quản lý người dân thông qua các trưởng phố (kiểu như tổ trưởng dân phố bây giờ). Như vậy có thể thấy bộ máy hành chính của Hà Nội là tối thiểu, rất gọn nhẹ.
Người Hà Nội thời kỳ này sống hoàn toàn theo luật của nước Pháp, không liên quan gì đến pháp luật triều Nguyễn nữa. Cùng là người Việt nhưng người ở Hà Nội được xét xử hoàn toàn khác với người ngoại tỉnh.
Chính quyền Hà Nội đã gò người dân vào khuôn khổ luật pháp của một nước phương Tây văn minh. Người Pháp ở Hà Nội không được quyền chà đạp lên pháp luật để làm mưa làm gió. Ở Hà Nội lúc đó có đủ các bộ luật Hình sự, Dân sự, Thương mại, Báo chí, Sở hữu, còn sử dụng cả án lệ của Pháp để xử án.
Quyền công dân thể hiện qua sổ địa bạ, giấy chứng nhận sở hữu, biểu thuế. Chính vì thế nên đã có những vụ kiện của người Việt kiện cả người Pháp và chính quyền thành phố Hà Nội có các luật sư và họ sẵn sàng cãi cho người Việt nếu họ có tiền. Dân có thể kiện thành phố lên tòa Thống sứ hay kiện những phán quyết của Tòa thống sứ lên Tòa đốc lý do sự mâu thuẫn giữa hai hệ thống nhượng địa và bảo hộ.
Tóm lại người Hà Nội trong những năm Pháp thuộc đã trở nên văn minh hơn rất nhiều do sống trong môi trường pháp luật của Pháp. Người Hà Nội vốn đã có cái gốc văn hóa kinh kỳ và cộng thêm sự văn minh do sống trong khuôn khổ của pháp luật văn minh nên đã tạo nên một thế hệ "Người Hà Nội" thanh lịch và văn minh hơn các tỉnh khác.
Người dân ở ngoại thành sống trong các làng nghề, mỗi làng nghề đặc trưng và cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho người nội thành. Người Thanh Trì bán bánh cuốn, Thụy Khuê bán bún, ốc và xôi, Kim Liên cắt tóc.
Khu vực phố cổ tập trung dân làm thương mại, đại đa số nhà ở đây xây dựng vào khoảng 1900 - 1940 là thời điểm bùng nổ xây dựng và phát triển của Hà Nội. Khu Khâm Thiên và Thái Hà ấp thì tập trung nhiều cô đầu, hút thuốc phiện, ăn chơi đàng điếm.
Năm 1889, khi Hà Nội chính thức thành nhượng địa toàn bộ thì chưa đến 500 người Pháp nhưng đến 1908 thì đã có 4000 người Pháp và khoảng 100 người các nước châu Âu khác. Đông Dương không phải là thuộc địa mà người Pháp thích sang sống, dân Pháp ở Hà Nội không đáng kể so với ở Alger (Algeri - Bắc Phi), có lẽ vì khoảng cách quá xa và khí hậu quá khác biệt. Đến năm 1940 thì 1/3 dân Pháp ở Hà Nội dược sinh ra ở đây, Hà Nội lúc đó giống một tỉnh lẻ của Pháp.
Số lượng người Hoa ở Hà Nội không đông như ở Sài Gòn, Hải Phòng. Năm 1888, Hà Nội có 850 Hoa Kiều, năm 1940 có 5310 người. Người Hoa sống chủ yếu bằng nghề buôn bán ở các phố Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Chiếu.
Người Hoa gần như nắm toàn bộ về thương mại tại Hà Nội cũng như trong Sài Gòn, họ chẳng e dè gì người Pháp , người Pháp không cạnh tranh nổi với người Hoa về thương mại. Với 3% dân số mà người Hoa đóng góp 20 - 25% ngân sách thành phố. Ngoài ra, Hà Nội còn có người Nhật và người Ấn, số lượng chỉ vài trăm
"Người Hà Nội" biến mất. Sau Hiệp định Geneva những gia đình giàu có, người nước ngoài, trí thức có quan hệ với chính quyền thực dân, tầng lớp thương gia, tiểu thương và dân trung lưu đa phần đều di cư vào Nam. Đây là thành phần chính của người Hà Nội tạo nên hình ảnh về người Hà Nội và tạo nên khái niệm "Người Hà Nội" mà không tỉnh nào có. Thay vào đó là ùn ùn dân ngoại tỉnh đổ về lấp chỗ trống, họ mua các bất động sản do người ra đi bán lại với giá rẻ. Nhiều công trình của người Pháp cũng được chính quyền mới tịch thu. Số ít những "Người Hà Nội" thời Pháp thuộc còn ở lại, họ bắt đầu hòa nhập dần vào những sự thay đổi lớn của một Hà Nội mới
Xem thêm:
► Help us reach 200.000 subs ! https://goo.gl/PQm2PU
► ĐĂNG KÝ kênh giúp chúng tôi đạt 200K Subs. Thanks! ► Website : http://govietnams.blogspot.com/
▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ ► Email liên hệ hợp tác: hm96channel@gmail.com ► Fanpage Lịch sử Văn hóa Việt Nam: https://www.facebook.com/LichSu.VanHoa/
▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ | Danh sách phát – Playlist | » Lịch Sử Việt Nam: https://goo.gl/N4gEqe
» Nhân Vật: https://goo.gl/TA49C
» Sự Kiện: https://goo.gl/Ts8wER
» Văn Hóa: https://goo.gl/9ifrN6
» Địa Danh: https://goo.gl/ZK3Xho
» Nhìn ra Thế giới: https://goo.gl/rtKiCx
» Khám Phá: https://goo.gl/kA4tDR
» Góc Cuộc Sống: https://goo.gl/F32dXZ
» Tiếng Anh Cho Người Việt: https://goo.gl/59LSwj
▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ Thanks for watching!
No comments