Người Bắc 54 và người Bắc 75 là như thế nào?
Nếu bạn sống trong miền Nam đủ lâu, có lẽ bạn sẽ nghe thấy đâu đó những tên gọi như người Bắc 54, người Bắc 75, Bắc 9 nút, Bắc 2 nút...Vậy người Bắc 54 và Bắc 75 là những ai? Tại sao lại có tên gọi đó?
Đến nay, chúng ta vẫn thấy có nhiều người phân biệt Bắc Kỳ và Nam Kỳ trong những câu chuyện của họ. Đa phần là những câu chuyện không mấy tích cực, có ý phân biệt vùng miền. Hai từ Bắc Kỳ trở nên khá nhạy cảm đối với người miền Bắc khi bị người miền Nam gọi như vậy. Tuy nhiên, với những người miền Nam xưa, họ còn phân biệt thêm người Bắc Kỳ thành 2 tầng lớp khác nhau, đó là Bắc 54 và Bắc 75.
Để giải thích cho ý nghĩa của 2 tên gọi này, chúng ta phải nhìn lại giai đoạn lịch sử nhiều đau thương và tàn khốc nhất của dân tộc Việt Nam, đó là cuộc chiến tranh kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thời điểm đã chia đôi đất nước chúng ta thành 2 miền Nam - Bắc, và ranh giới được xác định là tại vỹ tuyến 17, nơi có cây cầu Hiền Lương lịch sử tại tỉnh Quảng Trị.
Ranh giới vỹ tuyến 17 chia đôi đất nước được xác lập sau khi hiệp định Geneve được ký kết vào ngày 20/07/1954. Khi đó Việt Nam bị chia thành 2 miền Nam - Bắc. Miền Nam do chính phủ Quốc gia Việt Nam và quân đội liên hiệp Pháp quản lý, miền Bắc thuộc sự quản lý của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khi hiệp định Geneve được ký kết, trong khoảng thời gian ngừng bắn thì nhân dân hai miền được tự do lựa chọn ở lại nơi mình sinh sống hoặc di cư sang phía còn lại. Kết quả là đã có hơn 1 triệu người dân miền Bắc đã quyết định di cư vào miền Nam sinh sống, trong đó có hơn 800.000 người là người công giáo. Họ được chính phủ miền Nam và các tàu chiến của Pháp hỗ trợ đưa người từ Bắc vào Nam. Và có hơn 140.000 người miền Nam chuyển ra Bắc, trong đó đa số là những người thuộc lực lượng Việt Minh tập kết ra Bắc.
Những người miền Bắc di cư vào Nam trong khoảng thời gian này được người miền Nam gọi là Bắc 54. Chính những người Bắc 54 này đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế, chính trị của miền Nam Việt Nam. Tiêu biểu là trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũng như bộ máy chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ có rất nhiều vị trí quan trọng được nắm giữ bởi các tướng lĩnh là người Bắc 54. Những người Bắc 54 này dường như có được tình cảm của người miền Nam hơn, họ luôn được người miền Nam yêu quý.
Vậy còn những người Bắc 75 là ai?
Trong lịch sử Việt Nam đã chứng kiến 2 cuộc di cư lớn, thứ nhất là cuộc di cư năm 1954, khi hơn 1 triệu người từ Bắc vào Nam sau khi hiệp định Geneve được ký kết, những người này được gọi là Bắc 54 như đã kể ở trên.
Cuộc di cư thứ 2 không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn gây ám ảnh cho cả thế giới, khi có hơn 800.000 người miền Nam vượt biên bằng mọi cách trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1995. Sau khi quân đội miền Bắc hoàn toàn làm chủ miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/04/1975, một làn sóng di cư vượt đại dương của những người miền Nam đã tạo nên 1 trong những thảm kịch trên biển lớn nhất trên thế giới, hàng trăm nghìn người đã bỏ mạng trên biển trong những cuộc vượt biên đó. Chỉ có khoảng 1/3 số người này đến được đất liền và được nhập cư vào các quốc gia khác.
Cùng thời điểm này, sau khi đất nước thống nhất, nhiều người miền Bắc đã được chuyển vào trong miền Nam sinh sống, làm kinh tế mới để tái thiết lại miền Nam sau chiến tranh, và cả những người trong quân đội giải phóng hành quân vào đây, sau chiến thắng họ cũng ở lại miền Nam để tiếp quản. Và những người di cư từ miền Bắc vào miền Nam sau sự kiện 30/04/1975 được gọi là Bắc 75.
Đến nay, ở miền Nam vẫn có sự phân biệt Bắc 54 và Bắc 75 vì tình cảm người miền Nam dành cho 2 lớp người miền Bắc này là khác nhau. Còn lý do vì sao lại có sự khác nhau như vậy sẽ được giải thích ở bài viết tiếp theo.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
No comments