Khám Phá

Giáo sư khoa học vũ trụ người Mỹ gốc Việt nổi tiếng thế giới

Ông Nguyễn Xuân Vinh, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1930 trong một gia đình khá giả tại Yên Bái, miền Bắc Việt Nam. Mẹ ông là người Nam Định. Là người có năng khiếu toán khi còn nhỏ. Năm 1950, ông tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2 cấp chương trình Pháp tại Hà Nội với văn bằng Tú tài toàn phần và sau này trở thành giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ chuyên ngành kỹ thuật không gian của Mỹ trong giai đoạn từ năm 1965-1986.


Sự nghiệp khoa học của giáo sư Vinh bắt đầu vào năm 1962, khi ông đi du học ở Mỹ lúc 32 tuổi. Sau 3 năm, ông là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ về khoa học không gian tại Đại học Colorado, đánh dấu việc ông thực hiện thành công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi thuyền, do Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ, NASA, tài trợ.

Tên của ông, Nguyễn Xuân Vinh, được trang trọng tôn vinh tại phòng trưng bày thành tựu chinh phục không gian của NASA nằm trong Trung tâm điều khiển bay cơ quan này, đặt ở Houston, bang Texas.


Các báo Đại Đoàn Kết, Thanh Niên và VNExpress ở Việt Nam đăng bài hồi tháng 7/2006 có đoạn viết rằng: “Thời mà đại đa số dân Việt còn đi xe đạp thì những nghiên cứu của Nguyễn Xuân Vinh bằng các lý thuyết toán học đã vạch đường bay cho phi thuyền lên mặt trăng … Những lý thuyết của Nguyễn Xuân Vinh đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên được mặt trăng thành công và sau này được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền con thoi trở về trái đất”.


Ở tuổi 42, vào năm 1972, ông Vinh được phong hàm giáo sư tại Đại học Michigan và trong cùng năm ông cũng nhận bằng tiến sĩ quốc gia toán học tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp.

10 năm sau, ông là giáo sư của ngành toán ứng dụng tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa ở Đài Loan. Vào năm 1984, giáo sư Vinh là công dân thứ ba của Mỹ và là người gốc Á đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian Pháp.

Khi ông 56 tuổi, tức năm 1986, ông Vinh trở thành viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế, một viện được thành lập năm 1960 ở Thụy Điển và nay có trụ sở chính ở Paris, Pháp.

Là giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ chuyên ngành kỹ thuật không gian lỗi lạc trên thế giới, ông được mời tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại nhiều đại học lớn và các hội nghị quốc tế quan trọng trong nhiều năm liền. Bên cạnh đó, ông cũng giành được những giải thưởng lớn trong chuyên ngành vào các năm từ 1994-2007.

Năm 1999, khi giáo sư Nguyễn Xuân Vinh nghỉ hưu, ông đã được Hội đồng Quản trị tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư danh dự ngành kỹ thuật không gian vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.


Nhiều năm trước khi có sự nghiệp khoa học rực rỡ, ông Vinh đã giữ những chức vụ cấp cao trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ khi còn rất trẻ. Năm 1957, ông được bổ nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Không lực Việt Nam Cộng hòa. Một thời gian ngắn sau, vào tháng 2/1958, ông được giao chức Tư lệnh của Không lực. Ông giữ chức vụ này cho đến năm 32 tuổi, khi ông đi du học ở Mỹ vào năm 1962.

Ông Vinh thôi chức tư lệnh không quân ở thời điểm 6 tháng sau khi xảy ra sự kiện hai phi công đã ném bom Dinh Độc Lập vào ngày 27/2/1962, và khoảng 1 năm trước khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa có nhiều xáo trộn diễn ra song song với các vụ thanh trừng, đảo chính, phản đảo chính, với kết cục là Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị bắn chết vào tháng 11/1963.

Ông là con trai trưởng trong nhà và có rất nhiều người em tài giỏi khác như em trai Nguyễn Xuân Chúc, sinh năm 1932, ông Chúc là kỹ sư cầu đường, tốt nghiệp ĐH giao thông vận tải Hà Nội, trái ngược với người anh thì ông Chúc tham gia và Việt Minh và công tác trong chính quyền VNDCH. Một người em trai khác là Nguyễn Xuân Huy sinh năm 1944, hiện nay đang công tác tại Viện khoa học và công nghệ Việt Nam. Người em gái Nguyễn Thị Hoài Thanh là 1 nhà thơ, sinh năm 1936, đã mất năm 2020 tại Hải Phòng.


Ông Nguyễn Xuân Vinh, giáo sư có nhiều đóng góp quan trọng trong ngành khoa học không gian của thế giới đã “ra đi nhẹ nhàng, bình an, bên cạnh những người thân yêu trong gia đình, và được nghe Thánh ca do ca đoàn Giáo xứ La Vang hát” tại nhà riêng ở Costa Mesa.


Thánh lễ an táng giáo sư Vinh sẽ được tổ chức tại nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô, Garden Grove, hôm 29/7; sau đó, linh cữu giáo sư sẽ được đưa đi hoả táng và tro cốt sẽ được an vị ở nhà thờ này.

No comments