Là một quốc gia đang phát triển, trình độ khoa học, công nghệ còn thấp song Nhà nước Việt Nam chú trọng bảo đảm cho quân đội những loại vũ khí, trang bị kỹ thuật cần thiết để bảo vệ đất nước. Để bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, ngoài giữ gìn, bảo quản tốt, cải tiến có chọn lọc những vũ khí, trang bị hiện có, Việt Nam đầu tư thích đáng để tự sản xuất một số phương tiện, vũ khí phù hợp với khả năng công nghệ của mình đồng thời mua sắm một số vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng các yêu cầu tăng cường sức mạnh chiến đấu cho các lực lượng vũ trang nhân dân. Mời bạn hãy cùng Go VietNam tìm hiểu 8 loại vũ khí được coi là mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay.
1.Tiêm kích Su-30MK2 : "Độc nhất vô nhị" - Tinh hoa công nghệ
Về tổng quan SU-30 MK2 là một hệ thống vũ khí tiến công xung kích đường không nhiều mục đích, được phát triển trên cơ sở các biến thể của máy bay tiêm kích Su-27, gồm các tổ hợp vũ khí có điều khiển chính xác và khí tài chiến đấu nhiều tính năng dùng để thực hiện nhiều loại hình nhiệm vụ chiến đấu khác nhau của lực lượng không quân chiến thuật. Su-30 MK2 trang bị Radar 1 trong số các loại radar xung Doppler, hệ thống điện tử khác bao gồm một hệ thống ngắm bắn và dẫn đường tích hợp, với một hệ thống dẫn đường con quay laser, có phương tiện chống gây nhiễu điện tử ECCM và đối phó với các thiết bị điện tử quang học của đối phương. Nó có tốc độ 1.350 km/h tại độ cao thấp, và vận tốc leo cao là 230 m/s và có khả năng mang trữ nhiên liệu bay đường dài (Nó có thể mang thông thường 5.270 kg nhiên liệu trong các thùng chứa (không tính nhiên liệu trong các thùng chứa phụ)) và được trang bị khí tài thông tin liên lạc và tiếp chuyển tình báo tầm xa. Máy bay có chế độ lái tự động trong mọi giai đoạn bay, gồm bay thấp trong mọi địa hình, bay riêng và theo nhóm chống lại mục tiêu trên không - mặt đất - trên biển. Hệ thống điều khiển tự động được kết nối với hệ thống dẫn đường để đảm bảo máy bay bay đúng đường, tự động tiếp cận địch, tìm được đường về căn cứ và hạ cánh tự động.
Những chiếc Su-30MK2V của Không quân nhân dân Việt Nam là một phiên bản đặc biệt với những cải tiến phụ cho phù hợp với nhu cầu tác chiến trên biển nhiệt đới và hệ thống điện tử nội địa của không quân Nga không dành cho bản xuất khẩu.
2.Xe tăng T-90 – xe tăng T-90S và T-90SK: Cú đấm thép
Hầu hết các chuyên gia quân sự đều đánh gia cao tính năng kỹ - chiến thuật của dòng xe tăng T-90, một trong những ngôi sao vũ khí Nga đã tỏa sáng ở chiến trường khốc liệt Syria. Trong bảng phân loại đánh giá sức mạnh các phương tiện chiến đấu bọc thép của Việt Nam hiện tại thì T-90 đang đứng ở vị trí đầu bảng. Thông số kỹ thuật cơ bản của xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S bao gồm chiều dài 9,53 m; chiều rộng 3,78 m; chiều cao 2,2 m; trọng lượng 46,5 tấn; kíp chiến đấu 3 người.Vũ khí chính của các xe tăng T-90S chế tạo thời gian gần đây là pháo nòng trơn 2A46M5 cỡ 125 mm trang bị hệ thống nạp đạn tự động. Ngoài việc bắn được tất cả các loại đạn thông dụng nó còn có khả năng phóng tên lửa chống tăng 9M119 Refleks (AT-11 Sniper) qua nòng. Trái tim của T-90S là loại diesel tăng áp V-92S2F công suất 1.130 mã lực (tương tự T-72B3M). Bổ trợ cho khẩu pháo chính là súng máy hạng nặng 12,7 mm (NVS hoặc Kord) được điều khiển bắn từ trong xe và súng máy đồng trục PKTM 7,62 mm. Các vũ khí nằm dưới sự kiểm soát của hệ thống điều khiển hỏa lực theo dõi mục tiêu tự động (ASC) và máy tính đạn đạo (WB), cho phép bắn chính xác cả trong điều kiện tầm nhìn rất kém. Vỏ giáp của T-90S cũng được nâng cấp với những hợp kim đặc biệt kết hợp cùng gốm, đây là một trong những tuyệt tác của các chuyên gia quân sự Nga. Cải tiến này giúp T-90S có thể chịu được các loại đạn pháo 120 mm mà xe tăng phương Tây hay sử dụng.Hệ thống phòng vệ TShU-1-7 Shtora-1 tích hợp giúp cho T-90S thực sự là một pháo đài bất khả xâm phạm.
3.Súng chống tăng cải tiến SCT – 29 “Made in VietNam”
Việt Nam đã từng bước làm chủ công nghệ để sản xuất một số loại vũ khí chủ lực, trong số này có súng chống tăng RPG-29 và được đặt định danh trong nước là SCT-29. Súng chống tăng RPG-29 do Liên Xô sản xuất và được sử dụng trong biên chế nước này từ năm 1989 tới nay. Việt Nam đã nhập số lượng lớn súng bên cạnh việc mua giấy phép để sản xuất trong nước. Được biết Việt Nam đã sản xuất thành công loại súng chống tăng cực nguy hiểm này trong khoảng 5 năm trở lại đây. Ngoài việc tự sản xuất được súng, chúng ta còn tự sản xuất được đạn và đặt định danh là ĐCT-7. Theo thông tin được công khai, súng chống tăng SCT-29 có nhiều ưu điểm hơn so với các loại súng phóng lựu vác vai chống tăng như RPG-7 cả về tầm bắn và uy lực sát thương. Cụ thể, phần đầu của đạn ĐCT-7 được thiết kế theo nguyên lý lượng nổ lõm, nhằm tập trung uy lực của thuốc nổ, tạo ra lượng nhiệt lớn để xuyên qua các lớp giáp bảo vệ của các loại xe tăng, bọc thép... Việc chế tạo thành công đạn ĐCT-7 cho súng chống tăng SCT-29 có ý nghĩa rất lớn, làm tăng đáng kể sức mạnh các lực lượng trong quân đội. Bởi loại súng này không chỉ được biên chế đi kèm bộ binh mà còn được lắp đặt trên một số loại xe bọc thép, xe bán tải,... nhằm tăng khả năng cơ động trên chiến trường. Việc chế tạo thành công súng chống tăng SCT-29 và đặc biệt là đạn ĐCT-7 cũng giúp nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất, chế tạo vũ khí của Việt Nam.
4.Sát thủ diệt tăng “ngọn giáo”: SPG – 9
Súng SPG-9 là vũ khí của lực lượng bộ binh, có nhiệm vụ tiêu diệt các phương tiện chiến tranh như: xe tăng, xe thiết giáp, các ổ hỏa lực mạnh, vũ khí hạng nặng, xe cơ giới, công sự… SPG-9 là loại súng chống tăng bắn phát một, không giật. Hiện tượng không giật của súng được hình thành từ cấu tạo khóa nòng mở, dưới dạng ống phụt, cho phép một phần khí thuốc phụt lại phía sau, ngược hướng với đường bay của đạn. Súng SPG-9 bao gồm có nòng súng với khóa nòng mở, giá giữ súng 3 chân, thiết bị điện để khai hỏa và thiết bị ngắm bắn. Nòng súng của SPG là loại nòng trơn không có rãnh xoắn, được lắp đặt tay cầm để kéo súng khi cơ động. Để lấy đường ngắm cho súng phóng lựu không giật sử dụng kính ngắm và thước ngắm quang học PRO-9 với độ phân giải lên đến 4x với trường nhìn là 10e, bộ phận kính ngắm được lắp trên giá thước ngắm trên nòng súng. Khai hỏa đạn phóng lựu súng SPG-9 được thực hiện bởi bộ phận cò - kim hỏa điện cơ, nguồn phát điện, khóa an toàn và bộ phận cò nằm ở bộ khung gá súng. Đồng thời, ở bộ phận cò kim hỏa còn có bộ phận chống nổ sớm, khi chưa đóng hết khóa nòng. Để xạ kích từ súng phóng lựu RPG-9 sử dụng loại đạn nổ phá tiêu chuẩn của súng OG-96 khối lượng là 5,5 kg, đạn chống tăng hiệu ứng nổ lõm PG-9B khối lượng 4,4 kg. Đạn chống tăng với động cơ đẩy phản lực được phóng ra khỏi nòng súng bằng liều phóng với vận tốc ban đầu là 435 m/s, trên đoạn đầu của quỹ đạo đường đạn đạn SPG khởi động động cơ phản lực và tăng tốc lên đến 700 m/s. Đây là ưu điểm của loại đạn này nếu so với súng 82mm B-10. Khi bắn, phía sau của súng tạo ra một khoảng nguy hiểm do lửa phản lực của liều phóng với bán kính 30m và góc mở 90°.
5.“Cơn ác mộng” - Tên lửa hành trình P800
Lực lượng phòng thủ bờ biển Hải quân Việt Nam được trang bị tên lửa hành trình chống tàu siêu âm hiện đại hàng đầu thế giới P-800 Yakhont. Đây là “lá chắn thép” bảo vệ vững chắc biển đảo nước ta. Tên lửa P-800 Yankhont nặng khoảng 3 tấn, dài 8,9m, đường kính thân 0,7m, sải cánh 1,7m. Quả đạn được thiết kế với 4 cánh điều hướng lớn ở gần phần đuôi, ở phần mũi là cửa hút không khí cho động cơ hoạt động (kiểu thiết kế này khá giống với máy bay tiêm kích phản lực thế hệ 1,2). P-800 trang bị động cơ phản lực tĩnh dòng thẳng siêu âm cho phép đạt tốc độ gấp hơn 2 lần vận tốc âm thanh. Với vận tốc cực lớn như vậy, đối phương rất khó phản ứng kịp thời và bị tiêu diệt bởi đầu đạn thuốc nổ phân mảnh nặng 200-250kg. Theo đánh giá của chuyên gia thế giới, với đầu đạn đó P-800 có khả năng tiêu diệt tàu chiến cỡ lớn chỉ bằng một phát bắn duy nhất. Sau khi rời bệ phóng tên lửa P-800 sẽ bay theo chế dộ dẫn đường quán tính được lập trình sẵn. Ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu, đầu tự dẫn radar chủ động (trên tên lửa) sẽ kích hoạt tìm kiếm, phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 75km. Đặc biệt, ở giai đoạn này tên lửa hạ độ cao bay bám mặt biển từ 5-15m. Đây cũng là yếu tố nâng cao khả năng sống sót của tên lửa trước các hệ thống phòng không trên chiến hạm địch. Tầm bắn của tên lửa P-800 phụ thuộc vào chế độ bay: bay quỹ đạo cao – thấp hỗn hợp cho phép đạt tầm bắn 300km; bay quỹ đạo thấp – thấp đạt tầm bắn 120km. Kết hợp tốc độ vượt âm thanh và độ cao bay cực thấp, P-800 thực sự là bài toán khó trong đánh chặn tên lửa của chiến hạm thế giới.
6.Rồng lửa - Tổ hợp tên lửa S300PMU1
Hai Trung đoàn 64 (Sư đoàn 361) và Trung đoàn 93 (Sư đoàn 367) được trang bị tên lửa phòng không S-300PMU1 là vũ khí phòng thủ chiến lược, thuộc loại tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Các mục tiêu như máy bay tiêm kích - ném bom tàng hình hay tên lửa đạn đạo, máy bay trinh sát gây nhiễu điện tử, máy bay cảnh báo sớm có giá trị hàng trăm triệu USD hay thâm chí tới hàng tỷ USD sẽ luôn được tên lửa S-300PMU1 Việt Nam ưu tiên "chăm sóc kỹ" nhằm tạo ra những bước ngoặt, đánh thẳng vào uy thế, danh tiếng của đối phương. Mỗi quả đạn tên lửa 48N6E hay 48N6E2 thuộc tổ hợp này rất đắt, có thể lên tới hàng triệu USD mỗi quả. Hệ thống này rõ ràng có khả năng không chỉ chống lại các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, mà cả các tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm trung. Với công nghệ tiên tiến, S-300PMU1 có thể chống được tất cả các loại nhiễu của đối phương.
7.Kẻ săn mồi - Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9
Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 ở Việt Nam mang tên Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ và Quang Trung. Điểm độc đáo của Gepard 3.9 là tính đa năng, với lượng giãn nước từ 1500 đến 1930 tấn, tùy thuộc vào lựa chọn trang bị, chiều dài thân tàu khoảng 100 mét và mớn nước 3,6 - 4,5 mét. Tàu mang theo một kho vũ khí đáng kể gồm: Ngư lôi, tên lửa chống hạm, vũ khí phòng không, chống ngầm, và một trực thăng Ka-27. Tàu Gepard mới nhất còn được trang bị thêm tên lửa hành trình Kalibr, loại tên lửa đã thể hiện màn thực chiến xuất sắc tại chiến trường Syria; dự kiến mỗi tàu sẽ được trang bị 8 tên lửa Kalibr. Ống phóng thẳng đứng đa năng còn cho phép tàu có khả năng sử dụng tên lửa hành trình tiến công mặt đất, sử dụng tên lửa chống ngầm. Các tàu lớp Gepard 3.9 được thiết kế để tìm diệt các mục tiêu dưới nước, mặt biển và trên không; đảm nhận các nhiệm vụ tuần tra, hộ tống, bảo vệ khu kinh tế biển. Tàu cũng có khả năng tham gia các hoạt động phi quân sự như chiếu sáng mặt nước và dưới nước, hộ tống thương thuyền, chống đánh cá trộm, chống cướp biển, hỗ trợ tàu bị nạn, cũng như tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Lớp tàu được thiết kế có tính đến các yêu cầu hiện đại nhất đối với thiết bị hải quân, cân bằng tốt giữa vũ khí tấn công và phòng thủ, độ tàng hình cao, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở cả vùng biển xa hay gần.
8.Hố đen trong lòng đại dương - Tàu ngầm Kilo
Tháng 12/ 2009, Việt Nam lần đầu tiên ký hợp đồng mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo thuộc Dự án 636 Varshavyanka (NATO định danh: Kilo cải tiến) trị giá 2 tỷ USD. Ngoài đóng tàu, hợp đồng bao gồm huấn luyện thủy thủ Việt Nam, cung cấp thiết bị, kỹ thuật. Tàu ngầm lớp Kilo nằm trong danh sách tàu ngầm được xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Các quốc gia đang vận hành hoặc đặt hàng gồm Nga, Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan, Romania và Việt Nam. Kilo thuộc lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel – điện, có nhiệm vụ tác chiến chống hạm và chống ngầm. Đây là tàu ngầm thuộc hế hệ thứ ba (loại tiên tiến nhất thế giới), dài gần 74 m, rộng 10 m, lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ (37 km/h), lặn sâu tối đa 300 m, hoạt động độc lập 45 ngày đêm, thủy thủ đoàn 52 người.
Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533 mm. Song vũ khí uy lực nhất là tổ hợp tên lửa hành trình đa năng Klub-S. Tổ hợp này gồm ít nhất 5 mẫu tên lửa khác nhau, giúp chỉ huy tàu ngầm lựa chọn linh hoạt vũ khí trong tác chiến. Vũ khí hiện đại và khả năng ẩn mình gần như hoàn hảo, tàu ngầm có khả năng “tàng hình” trước các thiết bị định vị thủy âm (sonar) hiện đại, ẩn mình tốt hơn trong lòng biển để tiếp cận đội tàu nổi của địch và tấn công trước khi bị phát hiện.
Việt Nam chủ trương từng bước nâng cao sức mạnh của hệ thống Công nghiệp Quốc phòng. Việc phát triển trang bị hậu cần được tiến hành theo hướng nghiên cứu, cải tiến nâng cao chất lượng các mặt hàng phục vụ bộ đội chiến đấu trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Trang bị hậu cần được đầu tư thích đáng để mua sắm, sản xuất, nghiên cứu chế tạo đáp ứng nhu cầu thường xuyên của Quân đội và các tình huống chiến tranh.
Những vũ khí hiện đại nhất Việt Nam
Reviewed by Go VietNam
on
9:26 PM
Rating: 5
No comments